admin
2024-10-06T15:43:56Z
CÁCH XƯNG HÔ KHI CÚNG GIỖ GIA TIÊN
Thông thường, con cháu cúng giỗ tổ tiên của mình vào đúng ngày vị tổ tiên đó mất, ngày đó gọi là “chính kị”. Vào những dịp đặc biệt có thể cúng giỗ trước 1 ngày, ngày đó gọi là “tiền nhất nhật”. Có nơi chỉ cúng giỗ vào đúng chính kị với các bàn giỗ trọng là cha, mẹ, ông và bà mình, các bàn giỗ các vị tiên tổ khác sẽ được cúng chung vào cùng 1 hoặc 2 ngày nhất định nào đó trong năm.
Tùy theo từng vùng (Bắc Bộ) mà có nơi thờ cúng tất cả các tổ tiên của mình hoặc chỉ thờ cúng từ tổ 5 đời trở xuống. Khi thờ cúng tất cả tổ tiên của mình, tức là từ cụ thủy tổ cho đến ông, bà, bố, mẹ mình thì một người nào đó mà thờ cúng khoảng 10 đời, hàng năm anh ta sẽ phải làm từ khoảng 30 đến 50 bàn giỗ; nếu thờ cúng 20 đời thì có thể phải làm đến cả trăm bàn giỗ một năm. Việc làm giỗ ngày xưa không đơn giản như thời nay nên làm tất cả các bàn giỗ đều làm vào đúng chính kị là điều không thể. Khi thờ cúng từ tổ 5 đời trở xuống, thì người thờ cúng sẽ cúng giỗ các vị tổ tiên này tại nhà mình, các vị tiên tổ từ đời thứ 6 trở về trước sẽ được rước về thờ cúng chung tại nhà thờ họ. Tục này được dân gian gọi là “Ngũ đại mai thần chủ” và là tục phổ biến hơn cả.
Tôi thấy các tài liệu mạng cũng như các sách hướng dẫn việc cúng giỗ được bày bán hiện nay hầu hết đều không nói gì đến cách xưng hô của người cúng với gia tiên của mình theo đúng truyền thống. Đặc biệt, các tài liệu được đề là “Khấn Nôm” luôn được mở đầu với câu “Nam mô a di đà Phật!”. Điều này hoàn toàn không đúng với những người không theo đạo Phật!
Ở đây tôi chỉ viết lại các cách xưng hô khi cúng giỗ từ tổ 5 đời trở xuống.
1. Ngũ đại.
Kỵ ông gọi là: Cao tổ khảo
Kỵ bà gọi là: Cao tổ tỷ
Xưng là: Huyền tôn.
2. Tứ đại
2.1 Cụ ông gọi là: Tằng tổ khảo
Cụ bà gọi là: Tằng tổ tỷ
Xưng là: Tằng tôn.
2.2 Anh ruột của cụ gọi là: Tằng tổ bá khảo
Chị dâu của cụ gọi là: Tăng tổ bá tỷ
Em ruột của cụ gọi là: Tằng tổ thúc khảo
Em dâu của cụ gọi là: Tằng tổ thúc tỷ
Chị hoặc em gái ruột của cụ gọi là: Tằng tổ cô
Xưng là: Tằng điệt tôn.
3. Tam đại
3.1 Ông gọi là: Tổ khảo
Bà gọi là: Tổ Tỷ
Xưng là: Đích tôn. (Nếu không phải là cháu đích tôn thì xưng là: Nam tôn).
3.2 Anh ruột của ông gọi là: Tổ bá khảo
Chị dâu của ông gọi là: Tổ bá tỷ
Em ruột của ông gọi là: Tổ thúc khảo
Em dâu của ông gọi là: Tổ thúc tỷ
Chị hoặc em gái ruột của ông gọi là: Tổ cô
Xưng là: Điệt tôn.
3.3 Anh con nhà bác ruột của ông (con chú – con bác với ông) gọi là: Tụng tổ bá khảo
Chị dâu của ông gọi là: Tụng tổ bá tỷ
Em con nhà chú ruột của ông gọi là: Tụng tổ thúc khảo
Em dâu của ông gọi là: Tụng tổ thúc tỷ
Chị hoặc em gái con nhà bác hoặc chú ruột của ông gọi là: Tụng tổ cô
Xưng là: Tụng điệt tôn.
4. Nhị đại
4.1 Cha gọi là: Hiển khảo
Mẹ gọi là: Hiển Tỷ
Xưng là: Trưởng tử. Ngoài ra, tùy theo ý của người cúng giỗ, có nhiều cách xưng khác là: Trưởng nam, hiếu tử, thân tử, quý tử, nghịch tử,…
4.2 Bác ruột gọi là: Bá khảo
Bác dâu gọi là: Bá Tỷ
Chú ruột gọi là: Thúc khảo
Thím dâu gọi là: Thúc Tỷ
Chị hoặc em gái ruột của cha gọi là: Cô
Xưng là: Nam điệt.
4.3 Bác là con của anh ruột ông (con chú con – bác với cha) gọi là: Tụng bá khảo
Bác dâu gọi là: Tụng bá Tỷ
Chú là con của em ruột ông gọi là: Tụng thúc khảo
Thím dâu gọi là: Tụng thúc tỷ
Cô là con của anh hoặc em ruột ông gọi là: Tụng cô
Xưng là: Tụng điệt.
4.4 Bác là cháu của anh ruột cụ (cháu chú – cháu bác với cha) gọi là: Tái tụng bá khảo
Bác dâu gọi là: Tái tụng bá Tỷ
Chú là cháu của em ruột cụ gọi là: Tái tụng thúc khảo
Thím dâu gọi là: Tái tụng thúc tỷ
Cô là cháu của anh hoặc em ruột cụ gọi là: Tái tụng cô
Xưng là: Tái tụng điệt.
5. Nhất đại
5.1 Anh ruột gọi là: Bào huynh. (Nếu là anh trưởng thì gọi là: Trưởng huynh)
Chị dâu gọi là: Tẩu (Nếu là chị dâu trưởng thì gọi là: Đại tẩu)
Chị ruột gọi là: Bào tỷ
Xưng là: Đệ. (Hiền đệ)
Em ruột gọi là: Bào đệ
Em dâu gọi là: Tẩu
Em gái ruột gọi là: Bào muội
Xưng là: Trưởng huynh. (Nếu không là trưởng thì xưng là: Huynh).
5.2 Anh là con của bác ruột (con chú – con bác) gọi là: Tụng huynh.
Chị dâu gọi là: Tụng tẩu
Chị con nhà bác ruột gọi là: Tụng tỷ
Xưng là: Tụng đệ.
Em là con của chú ruột gọi là: Tụng đệ
Em dâu gọi là: Tụng tẩu
Em gái là con của chú ruột gọi là: Tụng muội
Xưng là: Tụng huynh.
5.3 Anh là cháu của anh ruột ông (cháu chú – cháu bác) gọi là: Tái tụng huynh.
Chị dâu gọi là: Tái tụng tẩu
Chị là cháu của anh ruột ông gọi là: Tái tụng tỷ
Xưng là: Tái tụng đệ.
Em là cháu của em ruột ông gọi là: Tái tụng đệ
Em dâu gọi là: Tái tụng tẩu
Em gái là cháu của em ruột ông gọi là: Tái tụng muội
Xưng là: Tái tụng huynh.
5.4 Anh là chắt của anh ruột cụ (chắt chú – chắt bác) gọi là: Tam tụng huynh.
Chị dâu gọi là: Tam tụng tẩu
Chị là chắt của anh ruột cụ gọi là: Tam tụng tỷ
Xưng là: Tam tụng đệ.
Em là chắt của em ruột cụ gọi là: Tam tụng đệ
Em dâu gọi là: Tam tụng tẩu
Em gái là chắt của em ruột cụ gọi là: Tam tụng muội
Xưng là: Tam tụng huynh.
5.5 Vợ gọi là: Tẩn (Tùy theo người cúng, có thể gọi là: Hiền thê, Vợ yêu,..)
Xưng là: Lương phu (Tùy theo người cúng, có thể xưng là: Bạc phu, Vũ phu,…).
Chú ý: Nếu một cụ ông có nhiều hơn 1 cụ bà thì phải xem kỹ gia phả xem cụ thứ hai, thứ 3,… là Kế hay Thứ để gọi cho đúng. Cách xưng của người cúng không thay đổi dù là con cháu của cụ bà nào.
P/S. Có chỗ nào sai hoặc còn thiếu mong các cụ chỉ giáo!
Privacy Policy | 2.31.16
Thời gian xử lý trang này hết 0,113 giây.