admin
2024-10-06T15:39:46Z
Gần đây, nhân chuyện tiểu thơ Phạm Tô Như và một số bác khác, đã đưa ra những thảo luận, gợi mở ra việc chúng ta cần phân tích sâu sắc hơn về nguồn gốc và sự biến tướng của các hình thức thờ cúng qua thời gian. Mạo muội viết ra một vài cả nghĩ hầu các bạn:
1. Về Bát hương / Lư Đỉnh và Bộ Đỉnh:
Ban đầu, bát hương chỉ được sử dụng như công cụ đốt hương thơm (dưới dạng mảnh, cỏ, bột, nụ...) trong các dịp tế lễ và không phải là vật cố định trên bàn thờ, tương tự như cách chúng ta sử dụng các đồ vật hàng ngày chỉ khi cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, Bát hương đã trở thành một vật bất di bất dịch, được thần thánh hóa một cách không cần thiết, và được một số thầy bà vớ vẩn luận giải linh tinh, gán ghép cho đủ thứ hầm bà lằng.
Việc này dễ dẫn đến sự hiểu lầm rằng tất cả các nghi lễ đều cần có Bát hương để làm chức năng Tự khí, Thần quỷ nương vào mà ngự, nên vẽ ra nào là cốt, nào dị hiệu, nào là bột phong thủy, nào là đồ hình nhật - nguyệt, thái cực... rồng đực - rồng cái, hai rồng tranh nhau bất an.....
Cũng tương tự, Bộ Đỉnh đặt trên bàn thờ, vốn gắn liền với Hạp hương và Ống đũa, đến khi không còn dùng đúng công năng thì mới tiện bày thêm Đôi hạc ... cho đến nay, với sự ra đời của hương nén (Nhang) thì Đỉnh hoàn toàn không phải là đồ Tế khí cần thiết, lại trở nên phổ biến được bài trí vào vị trí Thần Ngự mà không có căn cứ văn hóa tâm linh.
Một số tài liệu, thầy bà, còn chỉ ra rằng việc giữ Bát hương cố định trên bàn thờ, lộ mặt nhật - nguyệt và việc thêm các đồ vật thừa thãi là sự hiểu lầm phổ biến về nghi lễ thờ cúng Tổ tiên và Gia thần trong nhiều gia đình Việt Nam hiện nay.
2. Về bài vị:
Bài vị vốn có cùng nguồn gốc với Chủ, là vật Tự khí thay thế Thi ( một người đang sống, được rước lên ban thờ Giỗ kỵ của tổ tiên) được sử dụng để làm biểu tượng nhập thần cho cá nhân. Bài vị khác Chủ ở chỗ ghi ít thông tin hơn và chỉ ghi thông tin người mất mà không ghi thông tin của người đang thờ tự / mối quan hệ của người đang thờ tự với người đã mất.
Bài vị về bản chất, chỉ là một hình thức "căn cước" trong tín ngưỡng, phỏng như vai trò của thẻ Căn cước trong đời sống hiện đại. Theo truyền thống, bài vị thường chỉ đại diện cho cá nhân, hoặc còn có thể KHÔNG ghi chữ để đại diện cho tập thể. Biến thể này ở ta chính là đồ thờ tự khí Giá gương.
Tuy nhiên, sự không hiểu rõ về nguồn gốc đã dẫn đến việc chế tạo ra các loại bài vị không đúng với ý nghĩa gốc, như bài vị chung của thần thánh hay tổ tiên trong một số hình thức thờ cúng, ví dụ điển hình là Bài vị ghi chữ "cửu huyền thất tổ".
Oái oăm là những sai lệch trên lại dẫn đến những sai lệch bi hài hơn. Ví dụ: bài vị thì cho chung, tập thể mà Bát hương lại đòi riêng cho cá nhân / hoặc nhóm nhiều cá nhân, thậm chí còn đẩy xa đến mức trong nhà cần có đến 5 hay 7 Bát hương!
3. Về khái niệm Cửu huyền thất tổ:
Ban đầu, cụm từ này xuất phát từ văn học và văn tế ... mang ý nghĩa ám chỉ nhiều đời tổ tiên với những tầng nghĩa khác nhau tùy thuộc vào cách mà tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau giải thích.
Tuy nhiên, ngày nay, khái niệm này đã bị bóp méo, trở thành một biểu tượng vật chất mơ hồ trên bàn thờ (bài vị thờ cửu huyền thất tổ), làm mất đi ý nghĩa văn hóa và tôn giáo ban đầu, mỗi người giải thích một ý, tịu chung đều phóng túng, không rõ ràng và minh định.
4. Về đôi lọ Lộc bình:
Đôi lọ Lộc Bình ( một lọ thì Độc bình, Lộc bình, Đông bình - để bên phía Đông) xuất phát từ tín ngưỡng, tôn giáo nhằm thể hiện mong cầu Tài lộc, để bình ngọc hoặc để ngọc quý vào bình, hàm ý chiêu tài tiến bảo, kết nối với thế giới tâm linh theo nguyên lý "thiên nhân cảm ứng".
Tuy nhiên, theo thời gian, Lộc bình đã bị thay thế và biến thành đồ trang trí nội thất, và thậm chí không còn giữ vai trò ban đầu trong tín ngưỡng thờ cúng. Dần dà biến thành đôi lọ hoa, và đến nay thì đôi lọ to tổ bố bên cạnh ban thờ.
Nếu không tìm hiểu cặn kẽ còn tưởng đó là đồ thờ, thực ra nó chỉ là đồ nội thất, hoặc cùng lắm là vật phẩm phong thủy trong mắt các Phong thủy gia, nếu được đặt đúng phương vị, ngày giờ.
Kết luận:
Trên thực tế, với căn tính và sự đa dạng về đức tin, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên và Gia thần của người Việt (tạm khoanh vùng là người Kinh và các tộc người có tập quán gần), bị ảnh hưởng và chi phối của nhiều tôn giáo tín ngưỡng khác nhau. Có thể nói, ban thờ Tổ tiên và Gia thần ở tư gia là tấm gương phản chiếu tâm thức tín ngưỡng của chủ nhà, theo cái gì thì làm cái đó, tin ai thì làm theo vậy. Do vậy, nói ban thờ 3 lớp là chuẩn chỉnh cũng là rất không ... chuẩn, mà nói gian thờ 3 tầng theo tư duy Phật giáo càng không là chủ đạo về Lễ.
Việc nghiên cứu và phân tích nghi thức thờ cúng cần được thực hiện một cách nghiêm túc, lột trần bản chất của từng nội dung, làm sáng tỏ những gì mà tiền nhân răn dạy, đồng thời chỉ rõ những tồn nghi, đề xuất những giải pháp khả dĩ, tránh những hiểu lầm và diễn giải sai lệch.
Thờ cúng tổ tiên trong văn hóa Việt Nam phản ánh sự đa dạng và linh hoạt trong tín ngưỡng, và không có một khuôn mẫu chuẩn mực tuyệt đối cho bàn thờ tổ tiên. Người nghiên cứu có trách nhiệm giúp công chúng hiểu rõ và lựa chọn hình thức thờ cúng phù hợp với niềm tin của riêng mình.
Privacy Policy | 2.31.16
Thời gian xử lý trang này hết 0,106 giây.